Dựa vào những quy định về Sổ đỏ và Luật Đất đai 2013, về cơ bản quyền & nghĩa vụ của hộ gia đình và cá nhân khi sở hữu sổ đỏ có nhiều nét tương đồng nhau. Thế nhưng, khi thực hiện các vấn đề có liên quan đến pháp lý: mua bán, chuyển nhượng hoặc là chuyển từ sổ đỏ hộ gia đình sang sổ đỏ cá nhân hoặc là ngược thì thì vẫn có sự khác biệt cơ bản nhé.
Sổ đỏ hộ gia đình là gì?
Sổ đỏ hộ gia đình hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên hộ gia đình sẽ do người đại diện của hộ gia đình đó đứng tên trên giấy (thường là chủ hộ). Còn quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với đất & tài sản trên đất ghi trên giấy chứng nhận sẽ thuộc về tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình (quyền này sẽ không phân biệt đã thành niên hay chưa thành niên).
Như vậy, người được hưởng sở hữu và sử dụng nhà đất sẽ bao gồm cả: ông bà, cha mẹ, anh chị em, con, cháu và kể cả dâu rể, con nuôi (Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng). Ngoài ra tất cả các thành viên này phải đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Đối với thành viên sinh ra sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất sẽ không có chung quyền sử dụng đất.
Thông thường giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thường được cấp ở khu vực nông thôn.
Những điểm khác biệt giữa sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân
Điển khác cơ bản giữa 02 loại sổ đỏ này nằm ở quyền sử dụng đất thuộc về ai và các thông tin ghi ở trang 1 của sổ đỏ.
Sổ đỏ hộ gia đình
- Quyền sử dụng đất thuộc về:
+ Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
+ Khi chuyển quyền sử dụng nhà đất (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) của hộ gia đình thì phải có văn bản đồng ý của các thành viên được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
- Thông tin ghi ở trang 1 sổ đỏ:
+ Ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
+ Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Sổ đỏ cá nhân
- Quyền sử dụng đất thuộc về:
Là tài sản riêng cá nhân của người đứng tên sổ đỏ và người này toàn quyền quyết định khi chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế,... nếu nhà đất đủ điều kiện theo quy định. Nếu nhà đất là tài sản chung của vợ chồng thì chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên.
- Thông tin ghi ở trang 1 sổ đỏ:
Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú.
Chuyển sổ đỏ hộ gia đình thành sổ đỏ cá nhân và ngược lại cần gì?
Chuyển từ sổ đỏ hộ gia đình sang cá nhân:
- Điều kiện:
+ Người được chuyển quyền sở hữu phải đủ 18 tuổi trở lên, trong trường hợp chưa đủ phải có người giám hộ
+ Có tên trong sổ hộ khẩu trong thời điểm mà pháp luật quy định sẽ được hưởng quyền lợi.
- Các loại giấy tờ cần có:
+ Hợp đồng chuyển nhượng tài sản
+ Hợp đồng tặng cho tài sản
+ Văn bản xác nhận/cam kết tài sản được ghi trên giấy chứng nhận là tài sản riêng của một cá nhân trong hộ gia đình
+ Sổ hộ khẩu đã được công chứng, chứng thực
+ Giấy tờ tùy thân
Hồ sơ chuyển đổi này sau khi đầy đủ sẽ nộp lên cơ quan Tài nguyên và Môi trường địa phương. Người làm hồ sơ sẽ có nhiệm vụ nộp đầy đủ các khoản thuế, phí và lệ phí. Phía cơ quan chức năng sẽ xử lý tối đa trong 15 ngày sau đó thực hiện việc đăng ký biến động, điều chỉnh trong Giấy chứng nhận từ hộ gia đình sang cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thông tin người sử dụng trên sổ đỏ hộ gia đình có đính chính được không?
Chủ hộ hoặc người được chủ hộ uỷ quyền thay mặt cho hộ gia đình đứng tên sổ đỏ đất ở hay sổ đỏ đất nông nghiệp,... phải phải thống nhất với tên ghi trên đơn xin đăng ký quyền sử dụng và tên ghi trong sổ địa chính, ghi thêm số Chứng minh nhân dân của chủ hộ. Trong trường hợp ghi không đúng phải làm việc ngay với cơ quan có thẩm quyền để đính chính. Các trường hợp sai sót cơ bản:
Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó.
Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
Theo Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, các sai sót trên sẽ được Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trên đây, bài chia sẻ của Bannhasg.com đã gửi đến bạn đọc tất tần tật các vấn đề liên quan đến sổ đỏ hộ gia đình, hy vọng nội dung bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ và nắm được quyền cũng như nghĩa vụ khi là người đứng tên hoặc có quyền sử dụng đất thuộc hộ gia đình.